Thế nào là một đề tài khoa học
18/01/2015 22:45:13(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thỉnh thoảng tôi lại nhận được thư của bạn đọc đề nghị góp ý, hướng dẫn để thực hiện một số nghiên cứu cá nhân. Tôi rất hoan nghênh và trân trọng những đề xuất nghiên cứu của các bạn. Trong bối cảnh đất nước quá rối ren và hỗn loạn, cái xấu đang áp đảo hoàn toàn cái thiện hiện nay, vẫn có những bạn thực sự quan tâm đến nghiên cứu khoa học, không những nhằm nâng cao trình độ để đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ mang ra phục vụ đất nước, mà còn muốn qua nghiên cứu vạch ra những vấn đề rồi đề xuất ngay các chính sách giúp các nhà quản lý tháo gỡ dần một số khó khăn hiện nay của nền kinh tế... thì quả là vô cùng quý.
Tuy nhiên, qua thư từ gần đây của các bạn, tôi thấy có ba vấn đề nổi lên cần trao đổi thêm cho rõ là:
(1) Thế nào là một đề tài luận án tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ?
(2) Thế nào là một đề tài nghiên cứu khoa học ?
(3) Thế nào là một bài báo khoa học ?
Hôm kia có một bạn gửi thư cho biết đang học Cao học quản trị kinh doanh, dự định sẽ làm luận văn thạc sĩ với đề tài: "Xây dựng mô hình kinh tế lượng cho nền kinh tế Việt Nam và dự báo cho giai đoạn 2013-2015".
Tháng trước một bạn viết thư đề nghị tôi góp ý để làm luận án "Thử hình dung một chính sách tiền tệ cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập - phát triển".
Tôi còn nhớ đã xem, chấm một số luận án tiến sĩ, thạc sĩ với tên đề tài đại loại là hoàn thiện mô hình quản lý lĩnh vực gì đó, hay cơ sở lý luận để đổi mới công tác quản lý kinh tế hay công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Còn số luận án tiến sĩ, thạc sĩ có tên giống như luận án tiến sĩ của bác Nguyễn Thế Thảo, lúc đó là Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh (2006), nay là Chủ tịch Hà Nội, thì rất nhiều. Đề tài luận án của bác Thảo là: "Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh từ năm 1986 đến nay: Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp" . Cơ quan tôi được Bộ Giáo dục - Đào tạo gửi công văn đề nghị viết nhận xét để luận án này đủ thủ tục được phép đem ra bảo vệ; rồi người được cơ quan phân công chấp bút bận hay do lý do nào đó nên đã nhờ tôi viết nhận xét hộ. Đọc luận án của bác tôi buồn cười quá nên nhớ mãi. Buồn cười ngay từ cái tên: "Quá trình...", tức là cứ kể được cái quá trình ấy là thành tiến sĩ.
Vậy tất cả những đề tài với tên gọi như trên có phải là một đề tài luận án tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân không ? Có phải là một đề tài nghiên cứu khoa học không ? Nếu tóm tắt lại và đăng lên báo thì có được coi là một bài báo khoa học không ?
Để trả lời các câu hỏi này, tôi đã thử hỏi bác Google, qua đó cố tìm một số bài tiếng Việt có liên quan để đưa lên cho các bạn quan tâm xem, khỏi phải mất công tự viết (bản chất tôi chỉ thích đọc, không thích viết mà). Tiếc là số bài tìm thấy không nhiều. Tôi đã lưu lại mấy bài, sẽ đưa ngay lên Blog này sau bài này. Đặc biệt, những bài viết này đều không trả lời trực tiếp vào 3 vấn đề trên thông qua những tiêu chuẩn đánh giá trực tiếp vào nội dung nghiên cứu khoa học, mà chủ yếu đánh giá công trình khoa học thông qua một hội đồng thẩm định, hay nhận xét của một vài nhà khoa học có uy tín, hay được đăng trên một tạp chí có uy tín...
Chán quá, vậy thì đành tự trả lời bằng kinh nghiệm cá nhân vậy. Dưới đây là một số nhận thức của tôi:
1. Thế nào là một đề tài luận án tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ?
1.1) Khi nhận xét về bài "Thử bàn về đào tạo tiến sĩ", tôi đã viết:
Luận án tiến sĩ trước hết phải là một công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo, chưa ai đưa ra trước đó, có ý nghĩa lý thuyết hoặc thực tiễn; trong đó tính khoa học được hiểu là cái đúng, là chân lý để các thế hệ tiếp sau không phải nghiên cứu lại nữa mà sẽ kế thừa trên nó để tiếp tục phát triển các nghiên cứu khoa học mới. Thế mới nói các nhà khoa học hiện nay đang đứng trên vai người khổng lồ (thành tựu của các thế hệ trước) để nghiên cứu tiếp.
Luận án tiến sĩ không thể là một quan điểm phát triển người bảo đúng, kẻ bảo sai, vì khi đó nó không là chân lý, không mang tính khoa học. Cần phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa các bài báo, các chính sách, quan điểm với một luận án.
Về nội dung, luận án tiến sĩ chỉ cần hội đủ 3 yếu tố: (1) Một câu hỏi (đề tài) rõ ràng, cụ thể, minh bạch; (2) Một phương pháp khoa học (chọn một phương pháp nghiên cứu đã được đông đảo các nhà khoa học trên thế giới công nhận để nghiên cứu trả lời câu hỏi); và (3) Một câu trả lời: Đúng hay sai cũng rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch, thế mới là khoa học.
Do đó tất cả các luận án dài lê thê liệt kê mọi chuyện, cuối cùng là hàng loạt kiến nghị... như phổ biến hiện nay hoàn toàn không phải luận án tiến sĩ đúng nghĩa.
Đối với trường hợp luận văn thạc sĩ hay cử nhân cũng vậy; dù là của những người ở trình độ thấp hơn, đang học hoặc mới bắt đầu thử nghiệm nghiên cứu khoa học, thì tiêu chuẩn của một bản luận văn thạc sĩ hay cử nhân cũng phải như trên. Tuy nhiên, do thời gian làm luận văn thạc sĩ, cử nhân ngắn, nên cần chọn một vấn đề đơn giản hơn, một câu hỏi dễ trả lời, một phương pháp đã khá thạo... để có thể hoàn thành trong phạm vi thời gian quy định.
1.2) Nếu theo kinh nghiệm như trên của tôi tiếp thu được từ nền nghiên cứu khoa học - giáo dục ở phương Tây, thì một vấn đề có thể được chọn làm đề tài khoa học nếu sau khi nghiên cứu xong, đưa ra những kết luận, thì những kết luận đó phải là chân lý. Chúng có nội dung rõ ràng từ cách đặt vấn đề (bằng việc đưa ra một câu hỏi rõ ràng, minh bạch). Chúng được xử lý bằng một phương pháp khoa học cũng rất rõ ràng, minh bạch. Do đó kết quả đưa ra không ai có thể bác bỏ được mà buộc phải công nhận là đúng. Thế mới được gọi là khoa học.
Và do vậy nếu theo kinh nghiệm như trên của tôi thì tất cả những đề tài nghiên cứu như trên đều không thể dùng được để làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ hay cử nhân.
1.3) Ví dụ một số trường hợp
a) Về chọn "Xây dựng mô hình kinh tế lượng cho nền kinh tế Việt Nam và dự báo cho giai đoạn 2013-2015" làm đề tài luận án tiến sĩ, thạc sĩ hay cử nhân:
Trước hết đây không phải là một vấn đề nghiên cứu, không phải là một câu hỏi cần có câu trả lời đúng - sai, mà là một việc làm, một công việc hay một nhiệm vụ.
Sau nữa, đành rằng sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng là một phương pháp khoa học được thế giới công nhận, nhưng độ chính xác của nó chưa phải là tuyệt đối. Đặc biệt, nếu sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng cho mô hình một phương trình thì độ chính xác của kết luận sẽ rất cao vì người ta đã nghiên cứu, đưa ra nhiều tiêu chuẩn kiểm định kết luận, nhưng khi áp dụng cho một hệ phương trình thì chưa phải như vậy.
Thêm nữa, một mô hình kinh tế lượng cho một quốc gia tối thiểu cũng phải có vài chục phương trình đề cập đến nhiều hoạt động khác nhau của nền kinh tế, trong khi các cơ chế kinh tế đều rất phức tạp, khó có thể chứng minh rõ ràng trong khuôn khổ một bản luận án để thuyết phục tất cả mọi người. Thông thường để xây dựng một mô hình như vậy, sẽ cần đến hàng chục người am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế và cần nhiều thời gian để thực hiện chứ một nghiên cứu sinh không thể đủ năng lực, thời gian để làm.
Cuối cùng, câu trả lời là kết quả dự báo, không phải là đúng hay sai, chọn phương án dự báo nào để đảm bảo tất cả người xem đều tán thành. Chắc chắn đưa ra kết quả dự báo đến năm 2015 thì sẽ có chuyện người tin, người không tin. Và thực tế đã chứng minh không bao giờ có dự báo chính xác tuyệt đối cả; thậm chí có vô số dự báo sai hoàn toàn. Dĩ nhiên kết quả dự báo sẽ không bao giờ là chân lý; đặc biệt chúng chỉ có giá trị nhất thời (đến năm 2015) nên không phải là cơ sở khoa học để các thế hệ sau kế thừa, nghiên cứu tiếp.
b) Về đề tài "Thử hình dung một chính sách tiền tệ cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập - phát triển":
Bạn đọc này đưa ra hai loại chính sách tiền tệ để lựa chọn:
- Chính sách tiền tệ ổn định, lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu cao nhất, ít chú ý tới mục tiêu tăng trưởng nhưng cũng hy vọng từ ổn định tiền tệ, ổn định tỷ lệ lạm phát thì sẽ ổn định được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bản chất đây là chính sách tiền tệ của phái trọng tiền, đại diện là Milton Friedman.
Cụ thể dự kiến sẽ đặt ra một mức lạm phát mục tiêu (ví dụ 5% mỗi năm), trên cơ sở đó sẽ xác định được mục tiêu trung gian (kiểm soát tổng cung tiền tệ) và các công cụ (cơ sở tiền tệ, lãi suất chiết khấu, hạn ngạch tín dụng, hoạt động của thị trường mở...). Nguyên tắc của chính sách tiền tệ này là công khai minh bạch: Ngân hàng nhà nước xác định một mức lạm phát và một tốc độ tăng trưởng tiền tệ cố định, đồng thời công khai cho người dân cũng như các doanh nghiệp biết.
- Chính sách tiền tệ mềm dẻo, luân phiên giữa thắt chặt và nới lỏng, chú ý hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, thậm chí tới cả việc làm và cán cân thanh toán quốc tế. Bản chất đây là chính sách tiền tệ của phái trọng cầu, đại diện là John Maynard Keynes.
Bạn hy vọng sẽ so sánh đối chiếu hai loại chính sách trên, từ đó chọn ra một chính sách phù hợp cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập - phát triển.
Dĩ nhiên theo quan niệm của tôi nêu ra ở trên, đây cũng không phải là một đề tài khoa học ở tầm luận án tiến sĩ, thạc sĩ hay cử nhân vì quy mô của vấn đề nghiên cứu quá lớn. Một cá nhân và một khoảng thời gian ngắn để làm luận án sẽ không thể đưa ra được một kết quả đáng tin cậy.
Nghiên cứu, lựa chọn một chính sách tiền tệ phù hợp là nhiệm cụ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng cũng có thể là một đề tài nghiên cứu khoa học của một nhóm các chuyên gia am hiểu lĩnh vực ngân hàng, chính sách tiền tệ và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nó có thể là một đề tài nghiên cứu khoa học vì có vấn đề rõ ràng; nếu chọn được, chọn đúng các phương pháp khoa học để phân tích từng nội dung của nó, thì cuối cùng sẽ đi đến kết luận chọn cái nào thích hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học.
c) Về các đề tài khác, ví dụ đề tài luận án của bác Thảo: "Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh từ năm 1986 đến nay: Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp"; rõ ràng đây không thể là đề tài khoa học. Chúng không cho biết câu hỏi đặt ra là gì, phương pháp nghiên cứu như thế nào..., chỉ lan man mô tả từ thế nào là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, từ thực trạng đã và đang diễn ra qua một số bảng biểu, đến rút ra kinh nghiệm và đề xuất giải pháp... mà chẳng có chứng minh gì hết.
Dĩ nhiên trong các luận án kiểu này bao giờ cũng có lý thuyết nọ kia, có kinh nghiệm thế giới... Nhưng tất cả những thứ này đưa vào chỉ cho vui, cho dày luận án chứ chúng chẳng tham gia vào chứng minh cái gì trong đó cả. Những kết luận (kinh nghiệm và giải pháp) dài tràng giang đại hải, chẳng ai khẳng định được là đúng hay sai, nên thế hệ nghiên cứu tiếp sau cũng chẳng dám trích dẫn..
Tương tự, rất nhiều luận án khoe đã sử dụng nhiều phương pháp để chứng minh. Nghiên cứu khoa học không làm vậy, để chứng minh một vấn đề trong phạm vi nghiên cứu của một luận án tiến sĩ, người ta chỉ sử dụng một phương pháp được cho là hợp lý nhất để giải quyết.
Nhiều phương pháp nghiên cứu được liệt kê ra có lẽ rất ít người biết hoặc chỉ có trong các nền kinh tế duy ý chí. Ví dụ trong luận án của bác Thảo, có liệt kê 5 phương pháp nghiên cứu trong đó có những phương pháp mà các nhà kinh tế phương Tây sẽ chẳng thể hiểu chúng là cái gì và tính khoa học của chúng như thế nào. Đó là phương pháp nghiên cứu duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; phương pháp lịch sử và lô gíc; phương pháp thống kê, mô hình hóa và tiếp cận hệ thống; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp khảo sát, điều tra trực tế. Dĩ nhiên cũng tương tự như liệt kê lý thuyết nọ kia, kinh nghiệm thế giới... những phương pháp này được liệt kê ra cho vui, cho đúng quy định của một bản luận án của Việt Nam chứ chúng chẳng tham gia vào chứng minh cái gì trong đó cả.
Còn những đề tài khác như hoàn thiện mô hình quản lý một lĩnh vực gì đó, hay cơ sở lý luận để đổi mới công tác quản lý kinh tế hay công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân... thực chất sản phẩm của đề tài chỉ bản viết thể hiện quan niệm của người viết về vấn đề đó chứ không phải là một chứng minh khoa học để thuyết phục người khác thấy đúng là như thế và phải hoàn thiện, đổi mới như thế.
1.4) Tuy nhiên "Xây dựng mô hình kinh tế lượng cho nền kinh tế Việt Nam" cũng có thể là một đề tài tốt để làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ nếu chỉ khoanh loại ở mức lý thuyết.
Điều này đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự có trình độ toán học và am hiểu bản chất của nền kinh tế. Kết quả dự kiến là có được một mô hình thuyết phục tất cả mọi người. Khi đó tác giả sẽ thành một lý thuyết gia, mô hình xây dựng được sẽ trở thành một trong các mô hình kinh điển cho các thế hệ tiếp theo học hỏi, phát triển, đồng thời sẽ được các nhà khoa học khác sử dụng để nghiên cứu, phân tích nền kinh tế và xây dựng các dự báo phát triển.
Tuy nhiên điều này cực khó; thế giới chỉ ít người làm được, và phải trải qua hàng chục năm sau người ta mới nhất trí với nhau để công nhận, chứ lúc mới đưa ra thường bị phản đối. Do đó, nếu nghiên cứu sinh chọn đây làm đề tài thì độ rủi ro khi bảo vệ rất cao.
Cách nghiên cứu một đề tài như vậy:
a) Đặt ra các giả thuyết về nền kinh tế làm cơ sở xuất phát, coi như hệ tiên đề để từ đó xây dựng mô hình (tức là xây dựng một lý thuyết kinh tế mới cho nền kinh tế);
b) Lập luận xử lý từng vấn đề (ví dụ tăng trưởng, việc làm, lạm phát...) trên cơ sở hệ tiên đề nêu trên và các quan hệ kinh tế vi mô ai cũng biết (tức là đã được chứng minh hay thừa nhận rộng rãi nên không cần chứng minh). Đặc biệt phải gắn với hoạt động kinh doanh của cấp doanh nghiệp (nền tảng hay các tế bào của nền kinh tế), xem cơ chế hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh các giả thuyết, tiên đề trên thì chúng hoạt động thế nào, từ đó xây dựng các phương trình vi mô mô tả hoạt động chung của chúng. Cuối cùng gộp nhóm các phương trình này lại, giải ra một phương trình vĩ mô chung nhất phản ánh vấn đề đó (ví dụ tăng trưởng, việc làm, lạm phát...).
c) Ghép các phương trình vĩ mô thành một hệ thống. Xây dựng mô hình lý thuyết.
d) Dùng mô hình lý thuyết để phân tích cơ chế kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo phát triển, đều dưới dạng công thức lý thuyết, chưa cần dùng tới số liệu thực tế và chưa cần ước lượng cụ thể từng phương trình.
Sau này nếu mô hình lý thuyết được công nhận phù hợp với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và những năm tới thì nó có thể được một nhóm chuyên gia đem ra ứng dụng, tức là tìm số liệu, đưa vào ước lượng và dùng để phân tích cơ chế kinh tế (các chu trình kinh tế, cơ chế truyền tải của các chính sách kinh tế...), mô phỏng chính sách (ví dụ nếu năm 2010 nhà nước không tiêu xài ngân sách ồ ạt thì lạm phát và tăng trưởng kinh tế năm 2013 có giống như hiện giờ không ? ví dụ tăng chi ngân sách nhà nước năm 2012 lên 1% hay thêm cả năm 2013 cũng 1% thì ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào...) và dự báo phát triển (dự báo theo nhiều phương án).
1.5) Nên chọn đề tài luận án như thế nào:
Việc chọn đề tài cho một bản luận văn, luận án phải xuất phát từ ba yếu tố cơ bản nêu trên (1 câu hỏi, 1 phương pháp và 1 câu trả lời). Nó cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và cảm nhận của người thực hiện, tức là khi cân nhắc, quyết định chọn một đề tài thì người thực hiện phải định hình được một số thứ trong đầu: Sẽ lựa chọn phương pháp nào, kết quả sẽ ra sao... Dĩ nhiên, đấy mới là những thông tin sơ bộ; trong quá trình thực hiện, có thể sẽ có những thay đổi, điều chỉnh.
a) Một câu hỏi:
Như đã viết ở trên, câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể, minh bạch. Tên của luận án có thể đơn giản hay trìu tượng (để hấp dẫn người đọc) nhưng bản chất nội dung phải là một câu hỏi đặt ra. Câu hỏi đó có thể được rất nhiều người trả lời, có cái đúng, có cái chưa thuyết phục. Mục tiêu của luận án là đưa ra một câu trả lời mới, chưa ai đưa ra hoặc đưa ra nhưng không có sức thuyết phục.
Mặt khác, câu hỏi cũng phải được khoanh lại vừa tầm với mục tiêu viết một đề tài nghiên cứu: luận án tiến sĩ (150-300 trang), luận văn thạc sĩ (100-130 trang) và luận văn cử nhân (60-100 trang).
Trong kinh tế vĩ mô, những câu hỏi đặt ra rất nhiều, ví dụ:
- Những nguồn gốc của quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta những năm đổi mới vừa qua là gì ?
- Đâu là nguyên nhân của lạm phát chu kỳ của Việt Nam những năm gần đây ?
- Quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát từ năm 1990 đến nay như thế nào ?
- Phá giá (tỷ giá danh nghĩa) có ảnh hưởng thế nào tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ?
- Vai trò của tăng trưởng nông nghiệp đối với sự ổn định của kinh tế vĩ mô ?
- Nên kiểm soát tiền tệ hay kiểm soát lãi suất để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ?
- Chi ngân sách cho giáo dục và phát triển kinh tế ?
- Sự can thiệp của Nhà nước tới thị trường chứng khoán có tác dụng như thế nào ?
- Hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế nước ta ?
- Đô la hóa nền kinh tế có thực sự nguy hiểm không ?
- Chia tách, sát nhập tỉnh và phát triển kinh tế.
- Vai trò của vốn nước ngoài (hoặc cụ thể là vốn FDI hay ODA) tới tăng trưởng kinh tế.
- Quan hệ giữa đầu tư nhà nước - đầu tư tư nhân: Đầu tư nhà nước có làm giảm đầu tư tư nhân hay không?
- Khai thác dầu mỏ và tăng trưởng kinh tế ở nước ta: Quá khứ và triển vọng.
- Phụ nữ tham gia lao động và tăng trưởng kinh tế...
Những câu hỏi như trên đều khá minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt, đến nay chúng ta đã có 27 năm đổi mới nên đã có đủ nguồn thông tin, số liệu để phân tích, trả lời chúng.
b) Một phương pháp:
Phương pháp khoa học là một bộ các quy tắc chuẩn mực được đông đảo các nhà khoa học chấp nhận sử dụng để thực hiện quá trình sản xuất ra các tri thức khoa học. Có nhiều phương pháp khoa học khác nhau nhưng gộp lại thành ba loại chính: Phương pháp quan sát, phương pháp thực nghiệm, phương pháp lập luận lô gíc.
Đôi khi người ta đơn giản hóa phương pháp khoa học bằng một nội dung dễ hiểu: Giả định, suy diễn và kết luận, và coi đó là một phương pháp duy nhất.
Tuy nhiên, qua thực tiễn nghiên cứu của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau, người ta thấy có một sự đa dạng lớn về phương pháp nghiên cứu khoa học nên ý tưởng xây dựng một phương pháp nghiên cứu khoa học thống nhất là không tưởng. Mặt khác, sự tồn tại của nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau không có nghĩa là phản khoa học, là một hình thức nhận thức luận vô chính phủ.
Trong khoa học kinh tế, có 3 phương pháp nghiên cứu chính là quan sát, thực nghiệm, mô hình hóa (lập luận dây truyền theo lô gíc).
Quan sát là dùng các thông tin điều tra, phỏng vấn và những cách làm phù hợp để theo dõi tiến triển của các đối tượng nghiên cứu nhưng không nhằm tác động làm thay đổi chúng.
Thực nghiệm là chúng ta xây dựng một số giả thuyết, sau đó dùng các thực nghiệm để chấp nhận hay bác bỏ chúng. Điều này cũng tương tự như trong các ngành khoa học tự nhiên: Đề xuất các giả thiết, vào phòng thí nghiệm làm thử, cuối cùng là kết luận. Trong kinh tế, chúng ta có thể xây dựng chính sách và áp dụng thử ở một vài địa phương, lĩnh vực để xem xét ảnh hưởng của nó.
Mô hình hóa là cách mô tả đơn giản các hiện tượng kinh tế bằng cách chỉ tập trung vào những điểm then chốt của chúng. Ví dụ tăng trưởng kinh tế là một hiện tượng cực kỳ phức tạp liên quan tới hàng tỷ yếu tố khác nhau của hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường. Do đó thay vì nghiên cứu trực tiếp hàng tỷ yếu tố đó, người ta chỉ chọn ra vài yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng quyết định tới tăng trưởng (vốn, lao động hay tiêu dùng xã hội) để nghiên cứu.
Ngườ ta cũng hay chia các phương pháp nghiên cứu kinh tế làm hai loại: phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Hai phương pháp phân tích này có thể được sử dụng một mình, độc lập với nhau, hoặc kết hợp để bổ sung cho nhau, làm cho kết luận rút ra có cơ sở khoa học vững chắc hơn. Tuy nhiên cũng có trường hợp sử dụng hai phương pháp này độc lập với nhau mang lại các câu trả lời khác nhau.
Trong nghiên cứu kinh tế học hiện đại, nhiều nhà kinh tế xem phương pháp định tính thiếu tính khoa học vì nó không rõ ràng, thiếu minh bạch so với phương pháp định lượng. Phần lớn các nhà kinh tế học hiện đại thừa nhận rằng các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu kinh tế nên càng gần càng tốt với các phương pháp của khoa học vật lý. Thậm chí các nhà kinh tế học của trường phái Áo, cho rằng cần nghiên cứu kinh tế y như nghiên cứu toán học và logic, tức là đối với mỗi hiện tượng kinh tế, việc nghiên cứu phải bắt đầu bằng xây dựng các tiên đề không thể chối cãi (ai cũng công nhận là đúng), rồi sau đó mới nghiên cứu tiếp bằng các mô hình toán học. Điều này giải thích tại sao nếu xem cách sách báo và tạp chí phương Tây sẽ thấy nhan nhản các mô hình toán học rất phức tạp áp dụng trong nghiên cứu các hiện tượng kinh tế.
Lan man chuyện phương pháp nghiên cứu đủ rồi; giờ quay lại chuyện chọn phương pháp nào để làm luận án, luận văn khoa học.
Chúng ta đều biết mỗi phương pháp nghiên cứu đều có những đặc điểm khác nhau, sử dụng thông tin đầu vào khác nhau nên đối với cùng một hiện tượng kinh tế, nếu sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau thì cũng có thể cho ra các kết quả khác nhau.
Đặc biệt các số liệu kinh tế thường rất nhỏ, ví dụ tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ vài phần trăm mỗi năm; tỷ lệ lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp và nhiều chỉ tiêu khác cũng vậy. Do đó, chúng rất nhạy cảm khi thay đổi số liệu đầu vào và áp dụng phương pháp nghiên cứu khác. Do đó cũng hoàn toàn dễ hiểu tại sao kết quả có khi đối ngược nhau khi sử dụng phương pháp khác. Đó là chưa kể phương pháp nghiên cứu ứng dụng nào cũng có những sai số nhất định, phương pháp mô hình hóa cũng vậy.
Ngay bản thân sử dụng một phương pháp để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nhưng nếu nghiên cứu cho giai đoạn 1990 đến nay cho một kết quả, còn nếu cho giai đoạn từ 2000 đến nay lại cho kết quả khác. Hai kết quả này hoàn toàn chấp nhận được. Kết quả đầu chỉ ra các nhân tố tăng trưởng dài hạn (23 năm), còn kết quả sau chỉ các nhân tố tăng trưởng trung hạn (13 năm)...
Vì vậy, khi làm luận văn, luận án, chỉ nên sử dụng một phương pháp khoa học. Nếu sử dụng đúng thì kết quả nghiên cứu hoàn toàn đáng tin cậy, tức là đảm bảo tính khoa học, tính chân lý. Có như vậy luận án, luận văn mới bảo vệ được.
Tuy nhiên, nếu không phải là luận văn, luận án, mà là một đề tài nghiên cứu khoa học thuần túy để làm cơ sở đề xuất chính sách, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để xem xem vấn đề dưới nhiều góc độ, đặc biệt để phân tích tính nhạy cảm của các kết luận kinh tế nếu thay đổi phương pháp nghiên cứu.
Ở trên tôi có viết sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng là một phương pháp khoa học được thế giới công nhận, nhưng độ chính xác của nó chưa phải là tuyệt đối. Đặc biệt, nếu sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng cho mô hình một phương trình thì độ chính xác của kết luận sẽ rất cao vì người ta đã nghiên cứu, đưa ra nhiều tiêu chuẩn kiểm định kết luận, nhưng khi áp dụng cho một hệ phương trình thì chưa phải như vậy.
Do vậy, trong các luận án kinh tế, người ta thường nghiên cứu một vấn đề cụ thể và dùng chỉ một phương trình để mô tả nó. Ví dụ trong bài viết này của tôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế là một hàm số của viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài (FPI - đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp), tỷ lệ tiết kiệm nội địa (S), tỷ lệ xuất khẩu so với GDP (CX) và tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động.
Khi đó kết luận rút ra là (1) Vốn nước ngoài có ảnh hưởng tích cực tới đầu tư, trong đó vốn tư nhân nước ngoài (FPI) có ảnh hưởng tới đầu tư tích cực hơn so với vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA); (2) Vốn nước ngoài và tỷ lệ tiết kiệm nội địa đều có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế, trong đó vốn nước ngoài có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế tích cực hơn so với tỷ lệ tiết kiệm nội địa (S).
Các luận án viết trong quá khứ thường chỉ dừng lại ở mức tiếp cận này, tức là làm mô hình chỉ có một phương trình duy nhất. Tuy nhiên từ vài chục năm nay, với sự phát triển của khoa học kinh tế lượng, người ta đã thấy phải mở rộng mô hình mới phản ánh đúng thực tế. Trong ví dụ trên, mô hình chưa tính đến yếu tố ngoại thương và hội nhập kinh tế quốc tế vốn đã phát triển khá mạnh trong giai đoạn vừa qua và có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, và quan trọng hơn, mô hình đơn giản đó chưa phản ánh được đầy đủ các mối quan hệ nhân quả tồn tại giữa các biến trong mô hình (hồi đó kỹ thuật kiểm định nhân quả trong kinh tế lượng còn chưa phát triển). Do vậy, với cách nhìn của người am hiểu mô hình, mô hình đã chưa trọn vẹn và dĩ nhiên kết quả rút ra sẽ thiếu tính chắc chắn.
Để sửa chữa khiếm khuyết này, năm 1991 chúng tôi sử dụng tiếp cận của Ngân hàng phát triển châu Á bằng cách đưa thêm phương trình thứ hai, tạo thành một mô hình gồm hai phương trình. Sau khi ước lượng lại mô hình, kết quả đã có những thay đổi khá rõ rệt: (1) Quan hệ âm giữa vốn chính thức và tỷ lệ tiết kiệm nội địa cho thấy đã có sự thay thế giữa hai loại vốn, tức là càng nhận được viện trợ ODA nhiều thì nước đó càng giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng; đây dĩ nhiên là không tốt; (2) Vốn tư nhân nước ngoài có ảnh hưởng tốt tới nền kinh tế còn vốn ODA thì có ảnh hưởng tiêu cực; (3) Tiết kiệm nội địa là nhân tố cơ bản quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không phải ngược lại như nhận định trong mô hình một phương trình ban đầu.
Từ vài chục năm nay, các nhà kinh tế đã bắt đầu đi theo tiếp cận mô hình nhiều phương trình. Tuy nhiên, ở cấp các luận án, luận văn hay bài báo, người ta tìm cách đơn giản hóa vấn đề dưới nhiều góc cạnh nhằm mục tiêu cuối cùng là lại quay về mô hình một phương trình; có như vậy tính khoa học mới chắc chắn hơn vì kiểm định mô hình một phương trình dễ dàng và tin cậy hơn rất nhiều so với mô hình nhiều phương trình.
Có nhiều cách làm để thu gọn mô hình nhiều phương trình thành mô hình một phương trình, nhưng có hai cách thông dụng nhất là:
- Giải hệ thống mô hình để rút ra một phương trình duy nhất phản ảnh chỉ tiêu cần quan tâm, giải thích. Ví dụ trong mô hình 2 phương trình nêu trên, nếu nhằm mục tiêu xác định các nhân tố giải thích tiến triển của tốc độ tăng trưởng kinh tế, người ta thay biến tiết kiệm S trong phương trình 2 vào phương trình 1, khi đó ta sẽ có mô hình với 1 phương trình duy nhất. Trong trường hợp này, số biến giải thích tăng trưởng kinh tế không còn là 5 mà đã tăng lên thành 7.
- Thay các phương trình phi tuyến phức tạp hoặc nhiều biến bằng các phương trình tuyến tính xấp xỉ, hoặc phân tích, loại bớt các biến sau khi ước lượng thử thấy vai trò của nó không đáng kể..., rồi cũng làm như trên, tức là giải hệ thống phương trình tuyết tính để rút ra một phương trình duy nhất.
Nếu đọc các tạp chí kinh tế thế giới, các bạn sẽ thấy mô hình, công thức tràn lan, rồi thấy họ phân tích, rút gọn, thậm chí đặt thêm giả thiết, ràng buộc mới để hạn chế phạm vi nghiên cứu... Tất cả chỉ nhằm 1 mục tiêu là đi tới một mô hình rút gọn chỉ gồm 1 phương trình.
Để có thêm thông tin về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài "Phân tích kinh tế lượng về nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam" của tôi lưu trong Blog này.
c) Một câu trả lời
Điểm khác biệt giữa luận án, luận văn và các nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu chính sách là luận án, luận văn chỉ có một câu trả lời, kết luận ngắn gọn, kể cả những khuyến nghị chính sách cũng hết sức ngắn gọn.
Đó là vì do khuôn khổ luận án, luận văn có hạn nên vấn đề nghiên cứu chỉ được khoanh trong một phạm vi nào đó chứ không rộng mở tự do như trường hợp các nghiên cứu khoa học dài hơn hay nghiên cứu chính sách.
Mặt khác, tính nghiêm túc, lấy tiêu chí sự thật, chân lý là thước đo duy nhất của một công trình khoa học nên mọi kết luận, khuyến nghị chính sách nêu trong luận án, luận văn phải xuất phát trực tiếp từ chính các phân tích, chứng minh khoa học trong bài chứ không được copy từ đâu đó hoặc được suy luận thêm từ các chứng minh trong luận án, luận văn mà không có chứng minh bổ sung.
Ngoài ra, vì xuất phát từ một vấn đề, dùng chỉ một phương pháp để giải quyết, nên câu trả lời chỉ có một, không thể là nước đôi.
Trong một bản luận án, luận văn, cũng có thể thay đổi một số giả thiết ban đầu, tức là vấn đề nghiên cứu được đặt trong một bối cảnh khác; khi đó có thể có các câu trả lời khác đi để xem xét tính nhạy cảm của vấn đề khi môi trường, điều kiện thay đổi. Tuy nhiên, về bản chất, không có gì khác.
Bài viết đã quá dài, xin phép được dừng ở đây.
Theo Lại Trần Mai.
-Quỳnh Nga-