Tin tức - sự kiện

Trường Đại học Duy Tân hợp tác cùng ĐH Koblenz-Landau đào tạo Cao học về “Quản lý Thông tin-Công nghệ, Khoa học kinh doanh và Quản trị Sáng tạo-Khởi nghiệp

11/11/2016 10:29:00

Vào ngày 7/11/2016 tại hội trường 613 đã diễn ra lễ ký kết chính thức giữa Đại học (ĐH) Koblenz-Landau, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức và Đại học Duy Tân về hợp tác đào tạo Thạc sĩ (theo hình thức bằng Thạc sĩ kép) với các chuyên ngành Kinh Doanh, Công nghệ và Quản trị Sáng tạo "Chương trình ETI-M"  giữa 2 trường.

undefined

Tiến sỹ Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân và Tiến sĩ Roman Heiligenthal – Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Koblenz-Landau trao đổi văn kiện hợp tác được ký kết giữa 2 bên.

Chúng tôi coi trọng tinh thần khởi nghiệp và chương trình đào tạo nhằm vào những vấn đề rất thiết thực cho khởi nghiệp. Có thể kể đến: Quản lý về thông tin; Quản lý về Công nghệ thông tin; Quản lý về cải tiến công nghệ và Khoa học về kinh doanh. Đây cũng là những nội dung của chương trình ETI-M.

Các bạn hãy xem khởi nghiệp như một môi trường tự chủ cao nhất. Ở đó, doanh nhân và doanh nghiệp của đất nước chúng ta vẫn có thể kinh doanh, sản xuất, giới thiệu những dịch vụ cho nhu cầu tiêu dùng mà vẫn bảo vệ được những giá trị văn hóa, tập tục, nếp sống của đất nước. Khởi nghiệp là tự chủ, là tự tạo dựng những giá trị phát triển cho doanh nghiệp mình và đất nước mình” - Tiến sĩ Roman Heiligenthal – Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Koblenz-Landau, nhấn mạnh.

Được biết, chỉ trong 8 năm, ĐH Koblenz-Landau đã bảo trợ cho 100 doanh nhân khởi nghiệp.

“Đạt được thỏa thuận để hôm nay chính thức ký hợp tác cùng ĐH Koblenz-Landau,CHLB Đức; chúng tôi rất vui vì ĐH Duy Tân, nơi  Thầy và Trò đang thao thức tinh thần khởi nghiệp, có thêm những điều kiện và môi trường học thuật rất tốt để phát triển mạnh mẽ những ý tưởng khởi nghiệp. Nếu làm tốt việc này, ĐH Duy Tân đã góp một phần để Đà Nẵng chúng ta thực sự là một Thành phố khởi nghiệp, đúng với tinh thần mà Chính phủ đã phát động trong năm 2016: Năm Khởi nghiệp” - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân chia sẻ.

 

ĐH Koblenz-Landau được đặt tại Rhabanusstraße 3, 55.118 Mainz, CHLB Đức với 2 cơ sở đào tạo nằm tại Koblenz và Landau. ĐH Koblenz-Landau đào tạo các ngành Sư phạm, Nghệ thuật và Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Khoa học, Khoa học Máy tính (Koblenz) và Tâm lý học (Landau).

Số lượng sinh viên theo học tại 2 campus của Trường khoảng 15.000 sinh viên. Tại tất cả các campus của Trường đều có hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm hiện đại và đồng bộ phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiến sĩ Roman Heiligenthal giới thiệu về chương trình ETI-M  và khung đào tạo bậc Cao học.

 

Tiêu chuẩn đầu vào rất nghiêm ngặt: Ứng viên phải có nền tảng về Khoa học máy tính

ĐH Koblenz-Landau được xếp hạng trong Top 22 ĐH nổi tiếng của CHLB Đức. Do vậy, để theo học chương trình (ETI-M ), các ứng viên phải có bằng Cử nhân trong lĩnh vực:

- Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, bao gồm Kinh tế Vi mô và Vĩ mô, Quản lý Dịch vụ, Đầu tư và Tài chính, tiếp thị, và sản xuất.
- Hệ thống thông tin hoặc Tin học kinh doanh.
- Khoa học máy tính, chẳng hạn như lập trình/mô hình hóa các Hệ thống Thông tin, Công nghệ Phần mềm.
- Luật tư nhân và Luật công. 
- Phương pháp luận khoa học, trình bày và viết.

Ứng viên sẽ nộp đơn dự tuyển chương trình Thạc sĩ khi hội đủ điều kiện: Phải có bằng Cử nhân đạt trên 2,5 theo thang điểm trong hệ thống giáo dục của Đức, tương đương với 7,5 theo thang điểm trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Một số trường hợp ngoại lệ, ĐH Koblenz-Landau có thể nhận ứng viên có điểm thấp hơn nhưng sẽ xét đến năng lực tổng thể của người học.

Tiếp đó, các ứng viên phải vượt qua cuộc phỏng vấn trực tuyến (qua skype) do các nhân viên của Uni KO-LD thực hiện hoặc phỏng vấn trực tiếp tại ĐH Duy Tân (nếu cần thiết).

 

ĐH Duy Tân đã và đang góp một phần để Đà Nẵng chúng ta thực sự là một Thành phố khởi nghiệp, đúng với tinh thần mà Chính phủ đã phát động trong năm 2016: Năm Khởi nghiệp”- Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân.

-Ảnh: T.N.

 

Các ứng viên được lựa chọn học “Chương trình ETI-M “ tại Đại học Duy Tân sẽ được đăng ký vào học chương trình Thạc sĩ Quản trị Thông tin với một Chuyên ngành về "Kinh doanh, Công nghệ và Quản trị Sáng tạo " tại ĐH Koblenz-Landau.

Về quy trình đào tạo sau khi trúng tuyển, các học viên sẽ tham gia học tập theo các module do ĐH Duy Tân cung cấp cũng như các module (đặc biệt là trong chuyên ngành Kinh doanh, Công nghệ và Quản trị Sáng tạo) do chính ĐH Koblenz-Landau chuyển giao.

Và suốt thời gian này, học viên phải thu thập xấp xỉ 90 điểm tín chỉ (CP) theo Hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu (ECTS) cho các module đó. Tất cả các module, cũng như các Luận văn Thạc sĩ, được viết bằng tiếng Anh.

Lãnh đạo 2 trường chụp ảnh lưu niệm sau khi ký kết. Người đứng thứ ba, từ trái sang, là Tiến sỹ Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP Đà Nẵng. 

-Ảnh: T.N

Học viên sẽ được các Giáo sư – 1 là hướng dẫn chính từ ĐH Duy Tân, và 1 là hướng dẫn II đến từ ĐH Koblenz-Landau khi vào giai đoạn thực hiện luận văn Thạc sĩ. 
Luận văn Thạc sĩ được tính thành 30 điểm tín chỉ ECTS. Việc  bảo vệ luận văn Thạc sĩ diễn ra tại ĐH Duy Tân.

Về lộ trình học tập và nghiên cứu tổng thể (để nhận bằng Thạc sĩ kép), sau khi hoàn thành các module tại ĐH Koblenz-Landau và tại ĐH Duy Tân (gồm 120 tín chỉ ECTS kể cả luận văn Thạc sĩ), học viên có đủ điều kiện được cấp 2 bằng Thạc sĩ là “Thạc sĩ Khoa học” (gọi đầy đủ là bằng Thạc sĩ “Entrepreneurship, Technology and Innovation Management" của CHLB Đức) do ĐH Koblenz-Landau cấp; và 1 bằng MBA do ĐH Duy Tân cấp.

Lộ trình trên cho thấy đây là chương trình đào tạo rất bài bản, bảo đảm các yêu cầu rất cao về học thuật, lẫn yêu cầu về nghiên cứu (trong giai đoạn học viên thực hiện luận văn Thạc sĩ).

Chương trình đào tạo Thạc sĩ này do 2 trường gồm Đại học Duy Tân và Đại học Koblenz-Landau cung cấp, do vậy, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng học tập của các chương trình giảng dạy tại Đại học Duy Tân, hai bên thông nhất rằng Đại học Duy Tân thừa nhận kết quả kiểm tra của các học viên theo học chương trình này tại ĐH Koblenz-Landau và ĐH Koblenz-Landau cũng thừa nhận kết quả kiểm tra của học viên tại Đại học Duy Tân.

“Chúng tôi cung cấp cho người học kiến thức để tạo nên một môi trường sinh thái tốt nhất cho khởi nghiệp. Và ngày nay, khởi nghiệp đã được nhìn nhận như một nguồn lực thúc đẩy cho phát triển của một đất nước, một quốc gia. Và quá trình khởi nghiệp cũng đòi hỏi những thành tố rất quan trọng cho thành công. Chúng tôi muốn nói đến kỹ năng và kiến thức đủ để quản trị thông tin theo chuyên ngành "Kinh doanh, Công nghệ và Quản trị Sáng tạo”.

Cũng phải kể đến yếu tố đổi mới công nghệ, điều này phải luôn được xem xét như một tác nhân để thay đổi hiện trạng sản xuất, quan hệ sản xuất. Nếu thay đổi được, chúng ta mới thành công và đóng góp cho phát triển của đất nước. Và module đào tạo “Quản lý đổi mới công nghệ” trong chương trình hợp tác cùng ĐH Duy Tân sẽ được giảng dạy trực tuyến. Chúng tôi muốn người học ý thức đến công nghệ thông tin nói riêng, các lĩnh vực công nghệ nói riêng, ngay từ khi hình thành ý tưởng khởi nghiệp.

Ở Đức, mà cụ thể là ở ĐH Koblenz-Landau của chúng tôi, một dự án khởi nghiệp được hỗ trợ không đồng nghĩa với sự bảo trợ hay giúp đỡ một phần nào về tài chính.

Điều quan trọng hơn là chúng tôi cử các chuyên gia, các giảng viên của Trường bảo trợ dự án theo hướng … phản biện, chỉ ra những điểm yếu của dự án đó.

Chúng tôi giúp các tác giả hoàn thiện dự án của mình nhưng chúng tôi cũng có lời khuyên: Khởi nghiệp là chấp nhận thử thách. Có thể các bạn sẽ thất bại. Nhưng từ thất bại các bạn sẽ học được rất nhiều để thành công. Và đó là khởi nghiệp bền vững. Bộ môn Khoa học về kinh doanh mà chúng tôi giảng dạy, sẽ nói rất cụ thể về câu chuyện này” - Tiến sĩ Roman Heiligenthal kết luận.

Article Other